Tên tiếng Việt: Thiên môn, Dây tóc tiên, Co sin sương (Thái), Sùa sú tùng (Hmông), Mè mằn, Mằn săm (Tày), Dù mác siam (Dao)
Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.
Họ: Asparagaceae
Công dụng: Ho, tiêu đờm, táo bón (Rễ sắc uống). Cao huyết áp (Lá sắc uống)
A. Mô tả cây
- Thiên môn đông là cây bụi leo, sống lâu năm, dài 1- 1,5 m, có khi hơn. Rễ củ mẫm, hình thoi, có cuống dài, mọc thành chùm.
- Cành nhiều hình trụ, mọc xoắn vào nhau thành bụi dày, nhẵn và có gai cong, những cành nhỏ biến đổi thành lá gọi là diệp chi hình lưỡi liềm. Lá tiêu giảm thành những vảy nhỏ.
- Cụm hoa mọc ở kẽ các lá gồm 1-2 hoa màu trắng.
- Quả mọng, hình cầu, đường kính 5-6 mm, màu lục nhạt sau chuyển vàng ngà rồi màu trắng, hạt màu đen.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
- Mọc tự nhiên và được trồng ở khắp nơi trong nước ta, để lấy rễ. Có khi được trồng trong chậu để làm cảnh. Nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bắc Thái, Nam Hà. Tại các nước khác cũng có: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.
- Trồng vào tháng 2-3. Thu hoạch vào tháng 9- 10. Rễ củ hái về, tẩm nước cho mềm (có khi người ta đồ chín cho mềm) rổi rút bỏ lõi, thái mỏng phơi hay sấy khô. Chú ý khi tẩm nước đừng ngâm lâu quá, tác dụng sẽ kém. Vị lúc đầu ngọt, sau hơi đắng. Củ nào béo mẫm, vàng là tốt.
C. Thành phần hoá học
- Thiên môn đông chứa hoạt chất chính là Saponin steroid, sau khi thủy phân với acid sulfuric hoặc acid hydrocloric thu được các genin chính như: Sarsasapogenin, Yamogenin, Penogenin, Neohecogenin,
- Theo các tài liệu khác, rễ củ thiên môn đông có chứa Polysacharid, các acid amin tự do mà thành phần chính là aspragin.
- Thân và lá thiên môn có chứa flavonoid mà thành phần chính là rutin và một glycosid khác có aglycon là kaempferol.
D. Tác dụng dược lý
- Tác dụng kháng khuẩn
- Ảnh hưởng đối với tế bào ung thư: nghiên cứu cho thấy thiên môn có tác dụng ức chế men dihydrogenase của tế bào bạch cầu lympho cấp tính, tế bào bệnh bạch cầu hạt mạn tính và tế bào bệnh bạch cầu đơn nhân
- Tác dụng lợi đờm, giảm ho, hạ nhiệt, lợi tiểu và bổ
- Diệt ấu trùng ruồi và muỗi
- Tác dụng lợi tiểu nhờ hoạt chất asparagin
E. Công dụng và liều dùng
- Theo tài liệu cổ thiên môn đông có vị ngọt, đắng, tính đại hàn, vào hai kinh phế và thận. Có tác dụng dưỡng ầm, nhuận táo, thanh nhiệt, hoá đờm. Dùng chữa phế ung hư lao, thổ huyết ho ra máu, tiêu khát, nhiệt bệnh tân dịch hao tổn, tiện bí. Những người tỳ vị hư hàn, tiết tả không dùng được.
- Liều dùng: 6-12 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc cao, hoàn tán
F. Một số đơn thuốc có thiên môn đông
1.Chữa ho gà:
Thiên môn, mạch môn mỗi vị 12g; bạch bộ 10g; qua lâu nhân 5g; quất hồng 5g. Tất cả đem sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần uống trong ngày.
2. Chữa ho có đờm, thổ huyết:
Thiên môn, mạch môn, ngũ vị tử (lượng bằng nhau) đem nấu thành cao, luyện với mật làm thành viên uống. Ngày dùng 4–5g.
3. Chữa phế hư, ho, sốt nhẹ, mệt mỏi:
Thiên môn, mạch môn mỗi vị 4,5g; nhân sâm 3g; ngũ vị tử 1,5g; sa sâm 12g; ngọc trúc, hạnh nhân, sơn dược mỗi vị 9g; nữ trinh tử, phục linh, bối mẫu, thiên thảo căn mỗi vị 6g. Tất cả nghiền thành bột, uống với nước sắc ngó sen.
4. Cao tam tài: thuốc bổ toàn thân, bổ tinh khí:
Thiên môn 10g; nhân sâm 4g; thục địa 10g. Thêm 600ml nước sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
5. Chữa táo bón sau khi bị nhiệt bệnh, phân khô cứng, đại tiện khó khăn:
Thiên môn 10g; sinh địa 12g; đương quy, huyền sâm, hạt gai đay mỗi thứ 10g. Sắc lấy nước uống.
6. Chữa lở miệng lâu ngày:
Thiên môn, mạch môn đều bỏ lõi, huyền sâm. Lấy cả 3 vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, luyện với mật, vo viên bằng hạt táo. Mỗi lần ngậm 1 viên.
Trích dẫn nguồn từ: trang web: tracuuduoclieu.vn
Sách “ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – Nhà xuất bản y học năm 2003.
Ý kiến của bạn